Các sự kiện bị tổ chức, chính phủ quốc tế lên án vi phạm nhân quyền Nhân quyền tại Việt Nam

  • Ngày 13/1/2018, Quốc hội Châu Âu đã ra nghị quyết lên án tình trạng vi phạm nhân quyền tiếp diễn tại Việt Nam, và kêu gọi chính quyền Việt Nam phải trả tự do cho những người bất đồng chính kiến. Nghị quyết nói rằng giới chức Việt Nam tiếp tục bỏ tù, sách nhiễu, đe dọa các nhà hoạt động nhân quyền, nhà báo, bloggers và các luật sư nhân quyền, trong khi những người bảo vệ nhân quyền phải đối mặt với các án tù nhiều năm. Những cái tên nổi bật được đưa ra trong nghị quyết bao gồm: nhà báo tự do Nguyễn Văn Hóa, nhà hoạt động môi trường Hoàng Đức Bình, Lê Đình Lượng, Nguyễn Nam Phong, và các thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, là những người đang phải chịu án tù nhiều năm. Nghị quyết cũng lên án Bộ Luật Hình sự mới, luật An ninh mạng và luật Tín ngưỡng Tôn giáo vì cho rằng những luật này đang giới hạn các quyền tự do căn bản của con người.[11]
  • Trong bản Phúc trình Toàn cầu 2019 được công bố ngày 17/01/2019, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho hay tình hình nhân quyền tại Việt Nam "xuống cấp nghiêm trọng". Theo đó, HRW nhận định chính phủ Việt Nam "xâm phạm các quyền dân sự và chính trị cơ bản" như quyền tự do biểu đạt, quyền tự do báo chí và tiếp cận thông tin, quyền tự do lập hội và nhóm họp, quyền tự do thực hành tôn giáo...Bản phúc trình điểm lại danh sách 12 nhà bất đồng chính kiến bị Việt Nam bỏ tù năm 2018 với tội danh "tuyên truyền chống phá nhà nước". Ngoài ra, báo cáo đề cập đến các vụ tấn công người bất đồng chính kiến như ném đá và vật liệu nổ tự chế vào nhà hoạt động công đoàn độc lập Nguyễn Thị Minh Hạnh, không cấp hộ chiếu cho luật sư Lê Công Định, tạm giữ tiến sỹ Nguyễn Quang A trong nhiều giờ để ngăn cản ông bay đi Australia...[12]
  • Tại kỳ họp thứ 39 của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, 2 tổ chức Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) và Hành động Chung cho Nhân quyền (AEDH) lên tiếng cáo buộc Chính phủ Việt Nam ngăn cản tự do ngôn luận, lập hội, biểu tình, tự do tôn giáo bằng các bản án tù tiếp nối lên đến 20 năm dành cho những nhà hoạt động trong nước. Chính quyền Việt Nam còn đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, qua trường hợp bà Debbie Stothard - Tổng Thư ký Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền (FIDH) bị Hà Nội cấm nhập cảnh khi bà đến tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Nam Á 2018 vào ngày 09/09/2018. Đồng thời, bản dự thảo phúc trình của Việt Nam chuyển đến cho Liên Hợp Quốc trước kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát Toàn cầu (UPR), sẽ diễn ra vào tháng 1 năm 2019 đã cố tình che đậy thảm trạng nhân quyền tại Việt Nam bằng những thông tin sai lệch.[285]
  • Trong bản Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cáo buộc chính phủ Việt Nam điều hành quốc gia bằng chế độ “công an trị”. Có nhiều vi phạm nhân quyền liên quan tới công an như: việc bắt giữ tùy tiện, tra tấn người dân, bắt giữ và kết án vô pháp những cá nhân lên tiếng chỉ trích chính phủ hay đòi hỏi các quyền tự do. Chính quyền Việt Nam quản chế hay bắt giam tùy tiện nhiều nhà hoạt động tôn giáo và chính trị tại nơi cư trú của họ hay đưa vào đồn công an địa phương hoặc đưa đến các trung tâm bảo trợ xã hội. Một số nhà hoạt động ở Việt Nam còn tố cáo công an chìm liên tục sách nhiễu, tấn công và đe dọa giết hại họ. Bản phúc trình nêu rõ tính đến cuối tháng 11 năm 2018, có ít nhất 11 nạn nhân bị chết trong đồn công an mà phía chính quyền chỉ cung cấp rất ít thông tin về việc điều tra, thậm chí gia đình các nạn nhân còn bị sách nhiễu và hăm dọa khi yêu cầu chính quyền trả lời cho những thắc mắc về cái chết của người thân. Bản phúc trình cũng lên án tình trạng công an ngược đãi và tra tấn những người bị bắt giữ trong lúc thẩm vấn; các tù nhân chính trị bị đối xử hà khắc hơn, thường bị giam riêng, biệt giam trong nhiều ngày và bị khủng bố tinh thần, đánh đập để ép cung họ viết biên bản nhận tội, tìm cách moi thông tin từ các tù nhân chính trị về các nhà hoạt động nhân quyền khác. Những nhà hoạt động bị kết án tù cũng đối mặt với các hình thức ngược đãi như ép cung, đánh đập, tra tấn, thiếu chăm sóc y tế, đưa đi xa nhà và gây khó khăn cho thân nhân đi thăm viếng. Bản phúc trình còn đề cập đến tình trạng người dân bị mất đất đai, nhà cửa do các lực lượng chức năng cưỡng chế bất hợp pháp và việc khiếu nại, thưa kiện của người dân liên quan đất đai không được chính quyền giải quyết thỏa đáng[286].

Bản phúc trình nêu ra một số trường hợp cụ thể[287]:

    • Công an Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng Sáu đã đánh đập và bắt giữ 180 người chống một cuộc biểu tình chống Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng;
    • Trường hợp của nhà hoạt động Phạm Đoan Trang – người bị bắt giữ và thẩm vấn nhiều lần trong năm qua, trong đó có một lần cô bị đưa đi từ nhà riêng đến Cục điều tra An ninh thuộc Bộ Công an để thẩm vấn hàng giờ về cuốn sách "Chính trị Bình dân" mà cô viết;
    • Trường hợp của bà Trần Thị Nga kể lại rằng bà bị một bạn tù ở trại giam Gia Trung ‘đánh đập tàn nhẫn’ cũng được nêu như một dẫn chứng;
    • Các thành viên Hội Anh em Dân chủ, bao gồm các ông Nguyễn Trung Trực, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, nhà hoạt động tự do tôn giáo Nguyễn Bắc Truyền và nhà hoạt động môi trường Hoàng Đức Bình đều nhận được những bản án nặng nề.
    • Luật An ninh mạng với những điều khoản mơ hồ như ‘xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành quả cách mạng, phá hoại đoàn kết dân tộc, gây rối trật tự công cộng’ và vụ bắt giữ blogger Lê Anh Hùng về tội "lạm dụng các quyền tự do dân chủ để chỉ trích các lãnh đạo trên mạng".
    • Chính quyền Việt Nam thường dùng cách chuyển các tù nhân chính trị đi rất xa quê nhà của họ khiến cho thân nhân của họ khó khăn thăm viếng và thường xuyên bị chuyển trại mà không thông báo cho gia đình. Điển hình là trường hợp của tù nhân Trương Minh Đức từ Thành phố Hồ Chí Minh bị chuyển đến Trại giam số 6 ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
    • Chính quyền Việt Nam đã hạn chế việc đi lại của các cựu tù nhân chính trị như bà Bùi Thị Minh Hằng và ông Đinh Nhật Uy và của các nhà hoạt động, lãnh đạo tôn giáo nổi bật như Nguyễn Đan Quế, Phạm Chí Dũng, Phạm Bá Hải, Nguyễn Hồng Quang, Thích Không Tánh, Lê Công Cầu và Dương Thị Tân.
    • Một số nhà hoạt động còn bị cấm ra nước ngoài như Bùi Minh Quốc, Đinh Hữu Thoại, Đỗ Thị Minh Hạnh, Phạm Đoan Trang, Lê Hồng Quang và Lệ Công Định. Những người này bị tịch thu hộ chiếu với những cáo buộc mơ hồ hay không được cấp hộ chiếu mà không có lời giải thích rõ ràng[287].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nhân quyền tại Việt Nam http://www.china.org.cn/english/features/bjrenquan... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40337871_Vi%... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40835907 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/12/1512... http://transcripts.cnn.com/TRANSCRIPTS/0706/24/le.... http://www.latimes.com/news/la-na-vietnam6aug06-st... http://www.newsweek.com/apocalypse-then-157805 http://www.nhanquyenvn.com/2016/12/hoi-cuu-tu-nhan... http://vietnamupr.com/2014/06/upr-cua-viet-nam-va-... http://vietnamupr.com/ve-vietnam-upr/